Ùn tắc giao thông trên cầu Thanh Trì: Cần sớm có giải pháp khắc phục

 
Chia sẻ

Từ lâu, cầu Thanh Trì và tuyến đường hai đầu cầu thuộc trục đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội đã trở thành một trong những “điểm đen” ùn tắc giao thông. Cùng với tăng cường lực lượng chốt trực, phân luồng giao thông, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm sớm khắc phục ùn tắc cho cây cầu huyết mạch này.

Un tac giao thong tren cau Thanh Tri: Can som co giai phap khac phuc - Hinh anh 1
Tình trạng xe khách dừng đón trả khách phía Nam cầu Thanh Trì là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên cầu Thanh Trì. 

Lưu lượng phương tiện vượt hơn 8 lần thiết kế

Hằng ngày, anh Luyện Phương Nam (ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đều phải qua cầu Thanh Trì để vào nội đô Hà Nội làm việc. Dù rất khó chịu, song anh cũng phải quen dần với cảnh tắc đường. “Khổ nhất là lúc trên cầu có tai nạn giao thông hay sự cố, các phương tiện gần như đứng yên, tiến không được, lùi cũng không xong. Những lần như vậy, tôi đành phải gọi điện đến cơ quan ở quận Thanh Xuân xin đến muộn”, anh Luyện Phương Nam nói.

“Mỗi khi xảy ra ùn tắc trên cầu Thanh Trì, lực lượng cảnh sát giao thông nhiều khi phải đi bộ len qua dòng xe để tới hiện trường làm nhiệm vụ”, Đại úy Tạ Xuân Hậu, Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) kể.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là do tại khu vực phía Bắc cầu Thanh Trì, dự án đường dẫn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được thi công, nên đường dẫn lên cầu thường ùn ứ vào giờ cao điểm. Thêm vào đó, một số người dân xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) bày bán hoa quả trên hành lang đường Vành đai 3 dẫn lên cầu, cũng góp phần gây ùn tắc mỗi khi có lái xe vô ý thức dừng xe lại để mua hàng.

Trong khi đó, ở khu vực đầu phía Nam cầu Thanh Trì, lợi dụng hành lang giao thông khu vực trên khá thoáng rộng nên xe khách dừng đón, trả khách và xe tải dừng chờ thành hàng dài đợi qua giờ cao điểm để vào thành phố. Lực lượng chức năng dù có bố trí chốt trực song chỉ trong một số khung giờ nên hiện tượng này thường xuyên tái diễn.

Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, nguyên nhân lớn nhất của việc ùn tắc trên cây cầu huyết mạch này là do lưu lượng phương tiện qua cầu đã vượt gấp nhiều lần lưu lượng thiết kế. Số liệu đo đếm của Sở Giao thông - Vận tải cho thấy, hiện trung bình có tới 122.606 lượt xe/ngày đêm lưu thông qua cầu, gấp 8,1 lần so với lưu lượng thiết kế. Lượng phương tiện lớn như vậy nên chỉ cần xảy ra một sự cố là dẫn đến ùn tắc.


Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp

Để giải quyết ùn tắc khu vực cầu Thanh Trì, hằng ngày, Đội Cảnh sát giao thông số 5 và số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) phụ trách 2 đầu phía Bắc và phía Nam cầu Thanh Trì đều tổ chức ứng trực, tăng cường tuần tra vào các khung giờ cao điểm.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) kiến nghị, chính quyền các xã, phường thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm nơi có tuyến đường Vành đai 3 và đường dẫn đầu cầu Thanh Trì cần giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chấm dứt hiện tượng hàng quán bày bán cản trở giao thông, xe đón trả khách trái phép. Còn các lái xe phải tuân thủ các quy định như giữ khoảng cách, đi đúng làn đường khi qua cầu để góp phần giảm ùn tắc.

Về phía Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Nguyễn Đức Toàn cho biết, nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên cầu Thanh Trì, Sở đã triển khai nhiều giải pháp như: Điều chỉnh, tổ chức lại giao thông; trong đó, tại 2 làn ô tô, tốc độ lưu thông tối đa là 80km/giờ; tại làn hỗn hợp, tốc độ tối đa là 50km/giờ; lắp đặt đầy đủ biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định. Tại hai đầu cầu, cơ quan chức năng cũng đã lắp đặt hệ thống tiêu phản quang (với chiều dài 300m mỗi đầu), hệ thống chống chói trên dải phân cách giữa để tăng tính cảnh báo cho các phương tiện. Hệ thống vạch sơn, biển báo thường xuyên được duy tu.

Về lâu dài, Sở Giao thông - Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp như: Giảm tốc độ tối đa xuống dưới 80km/giờ để hạn chế tai nạn giao thông; lắp đặt hệ thống camera giám sát kết nối với Trung tâm Điều khiển giao thông thành phố nhằm phạt “nguội” các phương tiện vi phạm. “Đặc biệt, sau khi dự án nút giao đường Vành đai 3 với đường Cổ Linh thuộc quận Long Biên hoàn thành (dự kiến vào tháng 1-2021), Sở sẽ sớm có phương án tổ chức giao thông tại khu vực này nhằm giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên cầu Thanh Trì…”, ông Nguyễn Đức Toàn thông tin.
 
Theo ông Nghiêm Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai), địa bàn phường có tuyến đường dẫn lên cầu Thanh Trì phía Nam và một đoạn phía Bắc. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Thanh Trì, UBND phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý hàng quán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; đồng thời công an phường cũng huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cảnh sát giao thông phân luồng phương tiện trong giờ cao điểm.

Theo Hànộimới

Tin liên quan