Dư chấn nặng nề
Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 28/7, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Ngô Xuân Phú cho biết, do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các trường học ở Hà Nội đóng cửa từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn e ngại sử dụng phương tiện VTHKCC nên sản lượng hành khách của các tuyến buýt do đơn vị đảm nhận sụt giảm mạnh. Tổng số kilomet vận hành thực tế của toàn bộ 112 tuyến buýt (có và không có trợ giá) của Transerco ước đạt gần 37,7 triệu kilomet, bằng 82,8% kế hoạch. Sản lượng khách vé lượt chỉ đạt khoảng 73%; vé tháng ước đạt gần 437.300 vé, bằng 72,1% kế hoạch đề ra và bằng 58,9% so với cùng kỳ 2019.
Xe buýt Hà Nội chạy trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Thanh Hải
|
Đặc biệt, các tuyến buýt không trợ giá số 86, 68 và City tour có sản lượng, doanh thu giảm sâu so với kế hoạch. Đến nay, mới có tuyến số 86 và 68 hoạt động trở lại với mức độ hoạt động bằng khoảng 40 - 50% so với thời điểm trước dịch. Riêng tuyến xe buýt du lịch 2 tầng vẫn chưa thể hoạt động trở lại, do đối tượng hành khách chủ yếu là khách du lịch quốc tế vẫn chưa được nhập cảnh vào Việt Nam.
Không chỉ đối với Transerco, đó còn là thực trạng chung đáng lo ngại của toàn mạng lưới xe buýt tại Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thời gian giảm và ngừng hoạt động xe buýt nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã khiến sản lượng và doanh thu 6 tháng đầu năm của toàn mạng lưới giảm, tương ứng là trên 29% và trên 42%. Cùng với đó, hiện đã có trên 330.000 Thẻ miễn phí được cấp, các đối tượng sử dụng Thẻ miễn phí đã tăng trên 82 lần; lượng vé tháng cũng giảm gần 15%, doanh thu xe buýt giảm trên 10%.
Trong khi khó khăn còn chồng chất, nguy cơ phải tiếp tục ứng phó với đợt dịch bệnh Covid-19 mới lại đang treo lơ lửng bên cạnh các DN khai thác VTHKCC bằng xe buýt. Diễn biến phức tạp tại vùng dịch Đà Nẵng đang lan dần sang các địa phương khác, trong đó có Hà Nội. Hiện tất cả các tuyến xe buýt của Hà Nội đã được yêu cầu triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh như: Bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi lên xe…
Ông Ngô Xuân Phú chia sẻ: “Trong đợt ứng phó với dịch bệnh Covid-19 lần trước, khoảng 6.000 cán bộ công nhân viên của Transerco đã phải nghỉ việc. Nếu tiếp tục có yêu cầu tạm dừng hoạt động xe buýt, Tổng Công ty và hàng nghìn người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Nỗ lực vượt khó
Theo ông Ngô Xuân Phú, sau đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Transerco đã đề xuất được hỗ trợ tiền lương, trợ cấp cho người lao động. Nhưng do đơn vị không thuộc diện “ngừng hoàn toàn hoạt động” nên không được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đến nay toàn bộ khối lượng vận chuyển quý I/2020 của 46 tuyến đặt hàng, trước khi chuyển sang hình thức đấu thầu, vẫn chưa có cơ chế đặt hàng, dẫn đến Transerco chưa nhận được tạm ứng, thanh toán, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho rằng, xe buýt vẫn là loại hình VTHKCC chủ yếu, rất quan trọng đối với Nhân dân và mạng lưới giao thông đô thị của Hà Nội. Vai trò của xe buýt đến nay và trong tương lai là không thể thay thế.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng ghi nhận, Transerco cũng như nhiều đơn vị khai thác VTHKCC bằng xe buýt khác đang cố gắng vượt khó bằng nội lực của mình, hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ Nhân dân, an sinh xã hội.
UBND TP Hà Nội và Sở GTVT cũng đã kịp thời nắm bắt khó khăn của DN, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ để duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới xe buýt. Trung tâm Quản lý&điều hành giao thông đô thị đang phối hợp với các DN khảo sát toàn mạng lưới về sản lượng hành khách, doanh thu để có cơ sở báo cáo TP điều chỉnh kế hoạch về sản lượng, doanh thu, trợ giá cho năm 2020.
Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn nên dự kiến hết tháng 9 tới đây mới hoàn thành. Các chính sách hỗ trợ DN phải sau tháng 9 mới được định hình, áp dụng vào thực tế.
"Nếu tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội, DN buộc phải thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương. Nếu người lao động không đồng ý sẽ dẫn đến nghỉ việc hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành mạng lưới VTHKCC. Sắp tới, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biễn xấu, Hà Nội thực hiện trở lại các biện pháp giãn cách xã hội, các DN vận hành xe buýt sẽ chịu thêm một đợt “khủng hoảng” mới. Nếu không có những sự quan tâm, cơ chế chính sách phù hợp, các DN khai thác VTHKCC bằng xe buýt có thể không trụ nổi." -Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Trọng Thông
|