|
Ảnh minh họa |
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an đang điều tra vụ án “Mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật” của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các Trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Đã có 5 đối tượng liên quan bị bắt giam để phục vụ công tác điều tra.
Các đối tượng này đã sử dụng phần mềm phản ánh không đúng thực tế việc phương tiện qua lại các trạm thu phí của BOT TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, nhằm mục đích trốn nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Sự việc trên cộng thêm với những “lùm xùm” xung quanh các dự án BOT giao thông dai dẳng trong suốt thời gian qua đã và đang khiến dư luận rất bức xúc.
Lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập tại những dự án BOT giao thông nói chung và vụ án vừa xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương nói riêng xuất phát từ lỗ hổng hệ thống pháp lý trong quản lý các dự án theo hình thức BOT và sự buông lỏng trong công tác quản lý của các cơ quan có trách nhiệm. Nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận, sự "béo bở" từ các dự án BOT đã tạo kẽ hở pháp lý khiến không ít cá nhân nảy sinh trục lợi. "Trục lợi từ chính sách cần phải được xử lý nghiêm minh để làm gương" - luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay.
Bản chất của các dự án BOT giao thông là nhằm kêu gọi vốn đầu tư từ xã hội để xây dựng hạ tầng giao thông trong bối cảnh vốn ngân sách đang hạn hẹp. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn nguồn vốn này lại chủ yếu do DN đi vay từ ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, các dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng thì chủ đầu tư chỉ cần có trên 15%, số còn lại sẽ vay ngân hàng. Sau đó, chủ đầu tư lại được quyền thu phí hoàn vốn. Thực tế, số tiền từ việc thu phí này ở một khía cạnh nào đó chính là tiền thuế của người dân được thu gián tiếp. Khi DN làm ăn gian dối (thu phí cao hơn thực tế và gian lận trong thu phí) thì người dân chịu thiệt và Nhà nước cũng bị thất thoát thuế.
Như trường hợp xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, chính sự buông lỏng trong công tác giám sát, theo dõi của các cơ quan có trách nhiệm đã vô hình chung tiếp tay cho hành vi phạm pháp này được thực hiện thuận lợi hơn. Để trốn thuế trong thu phí ở cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có cả việc dùng công nghệ cao để qua mặt các cơ quan chức năng. Việc các cơ quan có trách nhiệm buông lỏng công tác quản lý, giám sát cũng là một trong những nguyên nhân giúp các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thành công. "Hoặc cũng có thể những cơ quan có trách nhiệm này yếu kém về năng lực, trình độ nên mới để bị qua mặt như thế” - luật sư Ứng nhận định.
Không trị bệnh theo triệu chứng
Vấn đề của các dự án BOT giao thông đã được nói đến rất nhiều trong thời gian qua. Và việc xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương một lần nữa chỉ ra “căn bệnh” BOT giao thông đang ngày càng nghiêm trọng và cần phải sớm tìm ra “thuốc chữa”.
Trong mấy năm qua, những lùm xùm tại các dự án cao tốc BOT đã làm đau đầu những cơ quan quản lý và gây nên hiệu ứng xã hội không tốt. Nhiều chuyên gia đã và đang lên tiếng khuyến cáo rằng, điều quan trọng nhất để giải quyết những bất cập của BOT giao thông là công khai và minh bạch nhưng lại chưa được các cơ quan có trách nhiệm thể hiện. Đó là lý do khiến “căn bệnh” BOT càng trở nên trầm kha.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông nhấn mạnh: “Đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề của BOT giao thông. Chính vì không có giải pháp căn cơ nên vẫn sử dụng phương án giải quyết theo kiểu vá víu, đối phó. Xảy ra cái gì mới chữa cái đấy. Giống như kiểu trị bệnh không tìm ra bệnh nên phải chữa theo triệu trứng. Nên bây giờ vấn đề của BOT gần như vẫn còn nguyên như thế”.
Các chuyên gia giao thông đều có chung nhận định, để đưa ra được biện pháp căn cơ, trước hết, Bộ GTVT phải chỉ rõ cái sai từ gốc, mà gốc rễ chính là từ Bộ, nhưng để thừa nhận cái sai này không phải dễ. Để sửa sai lại càng khó. Bộ GTVT muốn sửa sai bắt buộc phải có kinh phí, trong khi kinh phí lại phải lấy từ ngân sách. Điều này lại vi phạm luật ngân sách. Vì thế, bài toán của BOT giao thông hiện nay chưa có lời giải thỏa đáng.
Nguyên nhân sâu xa để xảy ra sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương là do công tác quản lý, giám sát yếu kém, các cơ quản lý, cơ quan giám sát không làm tròn trách nhiệm. Có thể nói, hệ thống văn bản của pháp luật đã có rất đầy đủ, từ quy định pháp lý đến bộ máy vận hành. Nhưng với sai phạm xảy ra ở tuyến cao tốc này thì vấn đề đặt ra là tất cả các quy định ấy đều không được tuân thủ chặt chẽ.
"Sai phạm của các đối tượng bị bắt giam trong vụ án ở cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương không chỉ dừng lại ở hành vi trốn thuế mà còn có dấu hiệu phạm tội tham ô và chiếm đoạt tài sản Nhà nước." - Luật sư Trương Thanh Đức – Đoàn Luật sư TP Hà Nội
"Vụ án tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, việc có tồn tại lợi ích nhóm hay không phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Nhưng rõ ràng dư luận có quyền đặt ra nghi vấn như vậy. Bởi nếu không có lợi ích nhóm thì làm sao xảy ra việc một con voi to như thế có thể chui qua lỗ kim như thế được." - Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức