Doanh nghiệp vận tải khách điêu đứng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sản lượng sụt giảm từ 30 - 80%, trong khi vẫn phải bảo đảm hoạt động, nộp các chi phí như bình thường, nhiều DN vận tải đang phải xoay xở đủ cách để cầm cự. Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có biện pháp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn này.

Doanh nghiep van tai khach dieu dung - Hinh anh 1
Đón khách tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Hải Linh

Sở GTVT Hà Nội thông tin, trong tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, loại hình vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70 - 80% sản lượng, ước đạt 3,1 đến 4,58 triệu hành khách. Vận tải bằng xe taxi giảm 50 - 60%. Thống kê của các đơn vị bến xe lớn trên địa bàn TP như Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm cũng cho thấy, trong tháng 2/2020, sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh đã giảm từ 40 - 50%, ước đạt 2,6 - 3,15 triệu hành khách. Trong đó, giảm mạnh nhất là Bến xe Nước Ngầm ở mức 65%, tiếp đến là Bến xe Yên Nghĩa giảm 45%, các bến xe còn lại ở mức 30 - 40%.

Đại diện nhiều DN vận tải hành khách cho biết, trong bối cảnh khó khăn như vậy, xe khách liên tỉnh vẫn phải bảo đảm số lượt chuyến, nhiều chuyến dù chỉ có vài người khách, xe vẫn phải chạy rỗng. Các chi phí, lệ phí, thuế và lãi suất ngân hàng cũng không được cắt giảm, khiến DN điêu đứng, bên bờ vực đổ vỡ.

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vận tải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động cắt giảm bớt số chuyến, đồng thời không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định (tối thiểu 70% - PV) như hiện hành.

Những kiến nghị này nhận được sự đồng tình cao của các DN. Đại diện Công ty xe khách Sao Việt chia sẻ: “Tình hình thực tế vô cùng khó khăn, sản lượng hành khách giảm, xe chạy rỗng, chúng tôi phải bù lỗ nặng nề nhưng không dám cắt nghỉ quá 70% số lượt chuyến đăng ký. Bộ GTVT và Sở chủ quản có thể xem xét cho chúng tôi chủ động biểu đồ vận hành trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh này sẽ là biện pháp hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả”.

Nhiều DN thông qua các Hiệp hội vận tải đã kiến nghị Nhà nước cũng như các ngân hàng, xem xét giãn, hoãn hoặc giảm lãi suất tiền vay đầu tư phương tiện, kinh doanh. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải; giảm chi phí cầu đường... để giảm bớt gáng nặng cho DN vận tải trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn ra phức tạp.

Chuyên gia giao thông Đặng Minh Tân nhận định: “Đợt ảnh hưởng của dịch Covid - 19 này cũng cho thấy khả năng ứng phó với rủi ro lớn của ngành vận tải cả nước còn chưa vững vàng”. Ông Tân phân tích, khi ảnh hưởng của dịch đã trở nên rõ rệt, điều đầu tiên cần làm là cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ DN giảm thiệt hại, duy trì kinh doanh. “Đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để điều tiết, hỗ trợ DN là khá muộn. Vai trò của Bộ GTVT, Sở GTVT các địa phương không chỉ là quản lý mà còn phải là trợ lực, “cứu cánh” cho DN khi gặp khó khăn” - ông Tân nhấn mạnh.

Thành Luân

Tin liên quan