Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội: Hối hả chạy đua cùng thời gian

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội đang chạy đua với thời gian nhằm kịp đưa vào vận hành, khai thác đoạn tuyến trên cao trong năm 2020. Để vượt qua được những gian nan, trắc trở, hơn lúc nào hết cả Hà Nội cần chung tay, chia sẻ khó khăn đưa dự án sớm ngày về đích.

Duong sat do thi Nhon – Ga Ha Noi: Hoi ha chay dua cung thoi gian - Hinh anh 1
Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Làm việc 3 ca mỗi ngày

Những ngày tháng 4, trên công trình dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, công nhân làm việc 3 ca mỗi ngày, công trường không có phút nào yên ắng. Trò chuyện với phóng viên, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ban và các đơn vị tư vấn, thi công đang nỗ lực hết sức mình, dùng mọi biện pháp có thể nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Không chỉ công nhân, cán bộ Ban, tư vấn, giám sát cũng bám trụ công trường không có ngày nghỉ. 

Tổ trưởng Tổ thi công xây lắp, nhà ga S3 Phạm Anh Tuấn bày tỏ: “Dù cường độ công việc rất cao, muôn vàn vất vả nhưng anh em công nhân đặt quyết tâm phải hoàn thành khối lượng công việc đúng tiến độ đề ra. Ngày 1/5 là ngày Quốc tế lao động và không món quà nào quý giá với chúng tôi hơn sự ghi nhận, chia sẻ của Nhân dân Hà Nội”. 

Đến tháng 4 này, tiến độ tổng thể của Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã đạt khoảng 48%. Đoạn trên cao đã hợp long toàn tuyến; đang tập trung thi công phần kiến trúc tại các nhà ga và khu vực Depot (Nhổn). Phần lớn khối lượng công việc chuẩn bị cho việc khai thác đoạn tuyến trên cao đã hoàn thành. Nhưng toàn Dự án vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được khơi thông.

Hơn cả một đường tàu

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, ĐSĐT có vai trò vô cùng quan trọng đối với Thủ đô. Trước hết, đó là xương sống của mạng lưới giao thông đô thị, góp phần chính yếu giải quyết vấn đề UTGT và hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thứ nữa, ĐSĐT còn là điểm nhấn cảnh quan, là công trình đa năng, đáp ứng nhiều nhu cầu của đời sống xã hội. Qua mô hình xây dựng tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội lại càng có thể thấy rõ hơn vai trò của ĐSĐT trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, TS Vũ Hồng Trường nhận định, với hệ số đi lại 2,3 chuyến đi/người/ngày, tổng số chuyến đi ở Hà Nội sẽ tăng nhanh, từ khoảng 20 triệu chuyến đi/ngày năm 2018 lên 30 triệu chuyến đi/ngày vào năm 2030 và khoảng 40 triệu chuyến đi/ngày năm 2050. “Nếu không có ĐSĐT, Hà Nội sẽ phải đối mặt với “thảm họa” UTGT trong tương lai” - ông Trường nhấn mạnh.

Duong sat do thi Nhon – Ga Ha Noi: Hoi ha chay dua cung thoi gian - Hinh anh 2
Công nhân làm việc tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Hà Nội hiện mới chỉ có một tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông sắp đưa vào khai thác, góp phần giải quyết UTGT cho cửa ngõ Tây Nam. Tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành trước đoạn trên cao (Nhổn - Voi Phục) là cứu cánh cho giao thông cửa ngõ phía Tây. Ngoài ra, Hà Nội vẫn chưa thể khởi động được 6 tuyến ĐSĐT còn lại bởi nhiều lý do. Khoảng thời gian tối thiểu để có thêm ĐSĐT trên địa bàn Thủ đô cũng phải từ 5 - 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Với năng lực vận chuyển hàng nghìn khách trên mỗi lượt, hàng vạn người mỗi ngày chạy tàu, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ thay thế cho hàng vạn chiếc ô tô, xe máy, giảm tải mạnh mẽ cho giao thông trên tuyến QL32 - Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy.

Bên cạnh vai trò cốt lõi là phương thức vận tải công cộng khối lớn, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội còn đóng góp cho TP một công trình cảnh quan kiến trúc với nhiều công năng và thẩm mỹ cao. Ông Lê Trung Hiếu phân tích, trên toàn tuyến có 12 nhà ga và điểm đầu cuối. Mỗi nhà ga sẽ trở thành một cây cầu đi bộ với cả thang cuốn cho người già, trẻ em, thang máy cho người khuyết tật. Tầng 1 - tầng trung chuyển tại mỗi ga được thiết kế để phục tất cả người dân đi bộ qua đường, mua sắm hoặc chỉ đơn thuần là tham quan, ngắm cảnh. Mỗi nhà ga sẽ mang một diện mạo kiến trúc bên ngoài, hài hòa, tô điểm thêm cho không gian cả khu vực; nhưng đồng nhất ở vẻ đẹp xanh với cây trồng phủ kín bề mặt đứng.

Cần sự đồng thuận của người dân

Theo tính toán, với hàng vạn người qua lại mỗi ngày, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ hình thành lên một hành lang thương mại sầm uất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại cửa ngõ phía Tây. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội bày tỏ: “Điều chúng tôi lo nhất hiện nay là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là các ga ngầm từ S9 - S12. Chậm GPMB đồng nghĩa với việc chậm tiến độ thi công và cả những rủi ro tài chính có thể xảy ra với dự án như đội vốn, hệ lụy đối với giao thông, môi trường Hà Nội”.

Nhiều năm qua, không chỉ ĐSĐT mà nhiều dự án giao thông lớn của Hà Nội ít nhiều đều gặp vướng mắc, khó khăn, đặc biệt trong khâu GPMB. Đây là một trong những lực cản chính làm chậm tiến độ, dẫn đến nhiều hệ lụy nhãn tiền cho bản thân dự án cũng như cả mạng lưới giao thông và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Hơn lúc nào hết, ĐSĐT nói chung và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội nói riêng đang rất cần sự chia sẻ, quan tâm sâu sắc, thiết thực của Nhân dân Hà Nội. Ông Hiếu bộc bạch: “Chỉ nỗ lực của anh em chúng tôi thôi là chưa đủ mà cần cả sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân TP. ĐSĐT là công trình vì lợi ích chung của toàn xã hội và mỗi người dân có quyền được hưởng tiện ích. Chúng tôi mong người dân thấu hiểu, tạo điều kiện, thúc đẩy các dự án sớm ngày về đích”.

Ngọc Hải/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan