Giám đốc Vũ Văn Viện: Thu phí có thể giảm 20% lượng xe cơ giới vào khu vực ùn tắc giao thông

MINH TƯỜNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, việc thu phí xe cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông (UTGT) sẽ tập trung chủ yếu vào xe cá nhân, không thu phí đối với xe vận tải hàng hoá nên không làm tăng chi phí xã hội.

Không thu phí xe chở hàng

Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình lên UBND TP thẩm định Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm UTGT”. Nội dung Đề án đề xuất việc thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ cao UTGT và ô nhiễm môi trường. 

Theo Đề án, phạm vi thu phí được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Liên quan đến thông tin này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, với vành đai thu phí như trên, dự kiến Hà Nội sẽ đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí. “Mục đích chính là để xe ô tô từ các địa phương khác, xe không có nhu cầu cần thiết tránh đi qua khu vực có nguy cơ cao UTGT và ô nhiễm môi trường” - ông Vũ Văn Viện nói.

Dự kiến Hà Nội sẽ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng cho tất cả các trạm nêu trên nếu triển khai. Khoản phí thu được dùng để bù đắp chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí; có thể dùng để đầu tư cho công tác chống UTGT, bảo vệ môi trường. 

Vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định: “Bản chất của loại phí này theo rà soát của chúng tôi là không trùng lắp với bất kỳ loại phí nào đang có. Sở đã xác định đối tượng thu phí ko bao gồm các loại xe vận tải hàng hoá, chỉ thu phí đối với vận tải hành khách, đặc biệt là xe cá nhân ko cần thiết đi vào vùng thu phí, đảm bảo không làm tăng chi phí xã hội”. 

Giam doc Vu Van Vien: Thu phi co the giam 20% luong xe co gioi vao khu vuc un tac giao thong - Hinh anh 1
 Với vành đai thu phí như trên, dự kiến Hà Nội sẽ đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí. 

Bên cạnh đó, các đối tượng như: người có xe trong khu vực thu phí, cơ quan trong khu vực thu phí; xe công vụ, xe buýt… cũng sẽ được miễn phí. Xe vận tải hành khách như taxi, xe hợp đồng… sẽ có chính sách giảm phí. 

Việc thu phí phải đảm bảo tác động mạnh mẽ, nhằm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực, khiến người dân tự điều chỉnh lộ trình, hoặc chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển vào khu vực có nguy cơ UTGT. 

Ông Vũ Văn Viện thông tin thêm, hiện nhiều TP lớn trên thế giới đã áp dụng hình thức thu phí như trên, kết quả giảm được từ 15 - 18% lượng phương tiện cá nhân tại các khu vực có thu phí. Còn với Hà Nội, kỳ vọng có thể giảm được 20% lượng xe cơ giới vào các khu vực có nguy cơ UTGT cao. 

Đề án cũng đưa ra mức thu trung bình khoảng 50.000 đồng/lượt xe ra vào khu vực có nguy cơ UTGT trong trung tâm TP. Tuy nhiên theo đơn vị tư vấn đánh giá, mức thu phải đạt 100.000 đồng/lượt mới đạt mức tác động đủ để điều chỉnh hành vi của người dân. 

Cần 2 năm đầu tư 

Trên thực tế, Phí giảm UTGT chưa có trong danh mục phí, lệ phí do Quốc hội ban hành nên UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét; Văn phòng CHính phủ cũng đã có văn bản  đồng ý về mặt chủ trương cho Hà Nội xây dựng đề án về loại phí này để trình với HĐND TP, báo cáo Chính phủ để trình lên Quốc hội sửa đổi Luật phí và lệ phí. 

Năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/06/2020, về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”, đề nghị cho phép HĐND TP Hà Nội ban hành một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục quy định. 

Do đó, UBND TP đã giao Sở GTVT xây dựng đề án này, báo cáo UBND TP, trình HĐND TP xem xét. Dự kiến tại kỳ họp cuối năm nay, HĐND TP sẽ xem xét, đưa ra Nghị quyết về Đề án này.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viên cho biết: “Nếu HĐND TP thông qua, ban hành Nghị quyết cho thực hiện Đề án thì vào cuối năm nay mới xây dựng dự án dầu tư và phương án quản lý, đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể”. 

Để đầu tư một dự án loại này cần khoảng 2 năm, như vậy khoảng năm 2022 - 2023 mới đầu tư  dược cơ sở vật chất để thu phí. Khi có dự án đầu tư rồi mới tính toán được mức thu cụ thể để UBND TP trình HĐND mức thu cụ thể với từng xe, từng đối tượng. Dự kiến, nếu triển khai tích cực có thể hoàn thành dự án đầu tư này trước 2024, trình được chính sách cụ thể, bắt đầu có thể tiến hành thu phí từ năm 2024. 

Bên cạnh đó, Dự án thu phí xe cơ giới ra vào khu vực có nguy cơ cao UTGT và ô nhiễm môi trường cũng cần có căn cứ pháp lý để có thể điều chỉnh hành vi thu phí, xử lý các đối tượng trốn nộp phí; các điều kiện về công nghệ… 

Một trong những điều kiện thuận lợi đối với Đề án là Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT, hết tháng 3/2022 phải đôn đốc được 90% lượng xe cơ giới dán thẻ thu phí tự động không dừng. Khi phương tiện được số hoá, chủ xe có tài khoản ngân hàng rồi, Dự án còn phải đầu tư các trạm thu phí và phải có phương án tài chính thu cụ thể, minh bạch. Sẽ mất khoảng 2 năm để triển khai tất cả các điều kiện này.

 

Tin liên quan