Người đi xe máy phải trả phí bảo hiểm cao hơn nếu vi phạm luật giao thông

 
Chia sẻ

Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) đang xem xét việc người đi xe máy vi phạm luật giao thông sẽ phải trả phí bảo hiểm cao hơn. Cơ quan này cho rằng việc liên kết giữa phí bảo hiểm và hành vi vi phạm sẽ giúp giảm thiểu tai nạn và thay đổi hành vi của tài xế.

Nguoi di xe may phai tra phi bao hiem cao hon neu vi pham luat giao thong  - Hinh anh 1
Giao thông đông đúc ở Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Thestateman.com

Đầu tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) cho biết đã thành lập một nhóm chuyên gia 9 thành viên để nghiên cứu về mối liên kết giữa phí bảo hiểm xe máy với hành vi vi phạm giao thông. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ nhấn mạnh rằng lịch sử vi phạm giao thông nên được coi là một tham số để đưa ra mức phí bảo hiểm.

Nhóm chuyên gia sẽ nghiên cứu và đề xuất khung pháp lý và cách thức bổ sung hành vi vi phạm giao thông như là một yếu tố xếp hạng mức phí bảo hiểm xe máy. Trong đó; lưu ý đến các thông lệ quốc tế và đề xuất các phương án phù hợp với Ấn Độ. Hiện dự án  đang được thí điểm tại Dehli

Nhóm này còn có nhiệm vụ đề xuất một hệ thống truy cập dữ liệu lịch sử vi phạm giao thông của từng phương tiện và chuyển dữ liệu từ cơ quan thực thi sang cơ sở dữ liệu của Cục Thông tin Bảo hiểm Ấn Độ.

Nói về tác động của việc tăng phí bảo hiểm với vi phạm giao thông, Sajja Praveen Chowdary, Trưởng phòng Bảo hiểm xe máy của Policybazaar, nhà phân phối bảo hiểm trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ, cho biết: Tại các quốc gia khác, mọi người lo lắng về việc phí bảo hiểm tăng cao họ hơn là tiền phạt mà cảnh sát đưa ra. Bởi lẽ, tác động của việc tăng phí bảo hiểm cao lâu dài hơn mức phạt mà họ phải trả một lần.

Được biết, ở Mỹ, với lỗi khá phổ biến là lái xe không thắt dây an toàn, thì trung bình, chi phí bảo hiểm hàng năm sẽ tăng khoảng 60 đô la. Lỗi vượt đèn đỏ mức phí bảo hiểm tăng thêm khoảng 330 đô la. Trong khi đó, lỗi lái xe sau khi sử dụng rượu bia hoặc ma túy là hành vi có mức tăng phí cao nhất. Trong hầu hết các trường hợp, tài xế bị bắt sẽ phải vào tù. Ngoài ra, phí bảo hiểm sẽ tăng lên tới hơn 1.000 đô la/ năm và sẽ áp dụng từ 3 đến 10 năm.

Nhà báo Stacy Johnson cho biết:

“Khi bạn nhận được phiếu phạt từ cảnh sát, bạn sẽ phải nộp phạt. Thế nhưng việc này còn ảnh hưởng đến phí bảo hiểm xe của bạn nữa. Theo một khảo sát thì hành vi gây tăng phí bảo hiểm cao nhất là lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích. Rõ ràng, khi nhận phiếu phạt càng ít thì phí bảo hiểm của bạn cũng sẽ ít đi vì vậy cách tốt nhất để cắt giảm khoản phí bảo hiểm xe chính là chấp hành tốt luật giao thông”.


Theo ông Sajja Praveen Chowdary, nếu áp dụng quy định này, lái xe sẽ trở nên cẩn trọng hơn. Điều này giúp kéo giảm tai nạn, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.... đồng thời sẽ giúp giảm phí bảo hiểm.

Nguoi di xe may phai tra phi bao hiem cao hon neu vi pham luat giao thong  - Hinh anh 2
Việc liên kết giữa phí bảo hiểm và hành vi vi phạm sẽ giúp giảm thiểu tai nạn và thay đổi hành vi của tài xế.

Đồng quan điểm, ông Indraneel Chatterjee, đồng sáng lập và giám đốc của RenewBuy, một công ty bảo hiểm kỹ thuật số cho rằng, động thái này sẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông và khen thưởng cho hành vi lái xe tuân thủ tốt luật giao thông. Đây cũng là thông lệ toàn cầu mà Ấn Độ nên hướng tới.

Các chuyên gia cho rằng, tại Ấn Độ, phí bảo hiểm được liên kết với phương tiện chứ không phải người lái xe, đó không phải là cách đúng đắn để quyết định mức phí. Do đó, chính sách mới này sẽ mang lại lợi ích cho những lái xe an toàn bởi vì họ rất có thể họ sẽ được giảm phí bảo hiểm.

Còn tại Việt Nam, hiện có 2 loại phí bảo hiểm chính là phí bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Với bảo hiểm tự nguyện, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chủ động xây dựng các quy tắc, điều kiện, điều khoản và định phí bảo hiểm dưới sự giám sát và đồng ý của cơ quan quản lý. Theo đó, để xác định mức phí bảo hiểm phương  tiện, sẽ căn cứ với các tiêu chí chính như: loại xe, độ tuổi của xe, mục đích sử dụng xe và lịch sử tổn thất.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, công tác tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, tại nước ta, lịch sử vi phạm giao thông hiện chưa được xem là một yếu tố để đưa ra mức phí bảo hiểm bởi còn gặp phải một số khó khăn.

“Thứ nhất là chúng ta chưa xác định được là có đầy đủ cơ sở dữ liệu của từng lái xe hay không. Thứ hai là với quy định hiện nay thì những doanh nghiệp bảo hiểm cũng như người dân chưa được phép tiếp cận với cơ sở dữ liệu đó. Đó cũng chính là lí do hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm chưa sử dụng được yếu tố này làm yếu tố định phí để xác định phí bảo hiểm của khách hàng”.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h