Tại xã Việt Long, huyện Sóc Sơn: Người dân mong mỏi một cây cầu vững chắc

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hàng chục năm qua, người dân qua lại hai bên bờ sông Cà Lồ, đoạn bến đò Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn buộc phải trả phí để sử dụng một cây cầu phao tạm bợ, bấp bênh.

Mong mỏi có một cây cầu vững chắc, an toàn, thuận tiện đã được cử tri kiến nghị lên HĐND các cấp rất nhiều lần.
Hàng chục năm chờ đợi
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trên địa bàn huyện còn một số khu vực đang phải sử dụng cầu tạm hoặc không có cầu bắc qua sông, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của Nhân dân. Một trong số đó là cầu phao qua sông Cà Lồ, đoạn bến đò Lương Phúc, xã Việt Long. “Cây cầu này vốn do một cá nhân là ông Nguyễn Văn Nghĩa đứng ra xây dựng tự phát từ nhiều năm trước, không được kiểm định an toàn, không có các điều kiện pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, do không có cầu cho người dân qua sông nên địa phương chưa thể phá bỏ” - ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Đào - người dân thôn Tăng Long, xã Việt Long cho hay, không biết cầu có từ bao giờ nhưng anh đã qua lại đây từ năm 2007, mỗi ngày 4 lượt, mỗi lượt phải trả cho chủ cầu 5.000 đồng. “Cầu tạm nên không thể đòi hỏi phải rộng rãi, an toàn được, lại thu phí nhưng dân cần vẫn phải đi qua, không có cách nào khác” - anh Long chia sẻ. Nhiều người dân cũng cho biết, đã kiến nghị với chính quyền đề nghị xây dựng một cây cầu kiên cố để phục vụ đi lại, sinh hoạt nhưng hàng chục năm qua vẫn chưa có kết quả. Tuy cây cầu hiện tại bấp bênh, nguy hiểm, lại phải trả tiền nhưng so với đi bằng đò thì còn an toàn, tiện lợi hơn nên người dân tặc lưỡi chấp nhận.
Rất cần được Thành phố quan tâm
 Tháng 10/2020, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan xem xét, lập dự án, xây dựng một cây cầu kiên cố qua khu vực bến đò Lương Phúc để đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân. Đoàn khảo sát liên ngành địa phương và các sở đã đi thực tế tình hình, thống nhất quan điểm đề xuất với TP cho xây cầu mới. Cây cầu mới được đề xuất nghiên cứu xây dựng cách cầu phao Lương Phúc hiện nay khoảng 80m.
 Ông Nguyễn Xuân Thắng thông tin thêm, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng có việc “thổi tuổi” cầu phao Lương Phúc để “xin” dự án xây cầu mới là không chính xác. “Quá trình khảo sát thực tế để lập dự án xây dựng một cây cầu mới tại khu vực này, người dân cho chúng tôi biết, cầu đã có từ năm 1984. Nhưng hồ sơ lưu tại xã, huyện thì không còn thông tin vì quá lâu và thay đổi nhiều. Khi báo cáo lên Sở GTVT và TP, huyện đều lấy mốc hình thành theo lời kể của người dân” - ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
 Còn với Nhân dân xã Việt Long và cả huyện Sóc Sơn, điều quan trọng nhất không phải cây cầu phao tự phát kia bao nhiêu tuổi, mà là nó rất bất tiện, nguy hiểm nhưng lại chưa thể thay thế. Người dân đã vô cùng mong mỏi có một cây cầu mới qua bến đò Lương Phúc nhiều năm qua, đến nay dự án đã được quan tâm, thúc đẩy; liệu có vì những ý kiến trái chiều mà phải dừng triển khai?
 Liên quan đến việc xây dựng, cho tồn tại và thu phí qua cầu phao Lương Phúc, vị đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết sẽ được thanh tra toàn diện, làm rõ các vấn đề khúc mắc, sai phạm nếu có. Kinh tế&Đô thị sẽ tiếp tục đưa tin về vấn đề này.
Trên thực tế, cầu phao Lương Phúc ban đầu chỉ là một cầu khỉ, ghép nối từ các thuyền bê tông cũ, xếp ván gỗ lên trên cho xe đạp, xe máy đi qua, đã hình thành từ vài chục năm trước. Sau đó được thay thế bằng cầu sắt năm 2017, do ông Nguyễn Văn Nghĩa bỏ tiền xây dựng nhưng không xin phép chính quyền địa phương.

Ngọc Hải

Tin liên quan