Từ chối phục vụ vĩnh viễn hai ô tô vi phạm quy tắc giao thông: VEC “vượt mặt” cơ quan Nhà nước?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chỉ hai ngày sau khi được phát đi, thông báo về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai trường hợp ô tô vì vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý khai thác đã bị chính cơ quan cấp trên “tuýt còi”.

Tu choi phuc vu vinh vien hai o to vi pham quy tac giao thong: VEC “vuot mat” co quan Nha nuoc? - Hinh anh 1
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý. Ảnh: Quý Nguyễn

Quy định vô lý

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi 2019, VEC đã khiến dư luận phải chú ý khi cho phép đơn vị cấp dưới là Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) phát đi thông báo sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ôtô 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Nguyên nhân từ chối phục vụ là do các xe trên vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác vào trước đó.

Theo VEC,  ngày 10/2, ô tô mang BKS 51A-558.50 đi trên cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hướng từ Long Thành về TP Hồ Chí Minh. Khi đến cabin thu phí đã không chấp hành việc trả phí mà còn cố tình gây rối, cản trở công tác bán vé tại làn thu phí. Trường hợp khác là ô tô mang BKS 51G-772.56 cũng có hành vi tương tự. Thậm chí tài xế của những chiếc xe này còn có hành động phá hoại tài sản, đe dọa đánh đuổi nhân viên, gây ùn tắc tại trạm làm mất trật tự an ninh tại khu vực.

Ngay sau khi thông báo trên được phát đi, dư luận đã lập tức “dậy sóng". Nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn hai ô tô trên các tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý là vô lý và trái pháp luật.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, VEC chỉ là một cơ quan được Nhà nước giao  nhiệm vụ quản lý và khai thác những tuyến cao tốc do đơn vị này làm chủ đầu tư xây dựng. Hơn nữa, các tuyến cao tốc VEC đang quản lý đều được đầu tư xây dựng bằng hình thức BOT. Đây là hoạt động kinh doanh chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà  nước. Do đó những quy định nội bộ của VEC, là đơn vị kinh doanh, quản lý các tuyến cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT phải phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành và phải được sự thẩm định, thông qua của các cơ quan Nhà nước thì mới được áp dụng.

Theo Luật sư Ứng, đối với việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai ô tô trên các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý mà VEC vừa đưa ra cũng phải được sự cho phép của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đó là chưa bàn đến việc quyết định này có hợp pháp và hợp hiến hay không.

Vi hiến, trái pháp luật

Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng khẳng định việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện do liên quan  đến vụ việc gây rối tại trạm thu phí trên cao tốc là vi hiến và trái pháp luật.

Theo Luật sư Cường, quyền tự do đi lại, tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của mọi công dân Việt Nam đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định rất cụ thể. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới được phép áp dụng biện pháp cản trở, hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Điều này cũng được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Phân tích cụ thể trường hợp hai phương tiện ô tô mà VEC vừa từ chối phục vụ vĩnh viễn, Luật sư Cường cho hay, các phương tiện giao thông đường bộ khi đã có đăng ký, đăng kiểm, đủ điều kiện lưu hành thì sẽ được toàn quyền tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam chứ không riêng gì các tuyến cao tốc của VEC. Đó là chưa kể, khi làm thủ tục đăng ký đăng kiểm, chủ những phương tiện này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân của mình qua việc trả các loại phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ theo từng chu kỳ đăng kiểm. 

Trong trường hợp hai phương tiện kia có hành vi gây rối, mất trật tự, cản trở giao thông đường bộ như VEC đã thông tin thì những lái xe đó sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật chứ không thể xử lý bằng quy chế nội bộ của đơn vị đầu tư BOT. “Cho dù VEC lý giải việc đưa ra quyết định từ chối phục vụ 2 ô tô kia là theo quy định nội bộ của đơn vị (Quyết định số 13/QĐ-VEC-GĐTV ngày 10/1/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên tuyến đường cao tốc do VEC quản lý – PV) thì cũng không đúng vì những quy định có tính chất nội bộ, không thể áp dụng rộng rãi với tất cả những người dân được” – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 12/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra quan điểm khi cho rằng việc VEC từ chối vĩnh viễn phương tiện là không đúng thẩm quyền và chưa phù hợp với quy định hiện nay. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã  yêu cầu VEC báo cáo chính thức về việc ngưng tiếp nhận vĩnh viễn hai phương tiện vào đường cao tốc. "Về mặt pháp lý, chưa có quy định từ chối vĩnh viễn phương tiện. VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện vi phạm là không đúng thẩm quyền, việc quy định hành vi từ chối phục vụ phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nếu VEC đã ra quyết định thì phải thu hồi lại quyết định" – Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan