Vì sao tàu xuyên Việt chưa được đưa vào phục vụ người dân hồi hương?

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong những ngày qua, hàng nghìn người lao động trong làn sóng di cư từ vùng dịch phía Nam trở về quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc bằng xe máy, đi bộ... phải đối mặt với nhiều nguy cơ về ATGT, dịch bệnh. Thực tế trên khiến nhiều luồng dư luận đặt câu hỏi: Vì sao không đưa đường sắt vào phục vụ người dân?

Nhiều địa phương chậm trễ

Sáng 10/8, trao đổi với PV Giaothonghanoi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (VNRA) Vũ Quang Khôi trả lời về vấn đề hiện đang được dư luận quan tâm, liên quan đến việc tổ chức tàu khách đưa, đón người dân, trong đó có hàng nghìn người từ vùng dịch phía Nam trở về quê.

Theo đó, người đứng đầu VNRA khẳng định các chuyến tàu đã sẵn sàng tổ chức vận hành phục vụ người dân, đồng thời đã đề nghị 24 địa phương có ý kiến trước ngày 5/10 đối với kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 tỉnh, TP có ý kiến thống nhất. Ông Vũ Quang Khôi cho biết, điều kiện tiên quyết là sự đồng ý, chấp thuận của các địa phương điểm đi, điểm đến.

Vi sao tau xuyen Viet chua duoc dua vao phuc vu nguoi dan hoi huong? - Hinh anh 1
 Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định hệ thống tàu khách sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Trước đó, làn sóng người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trong vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam trở về quê tăng cao lên từng ngày.

Người dân rời khỏi địa phương nơi cư trú nhưng do quê ở rất xa nên dọc đường đi gặp nhiều rủi ro cho sức khỏe bản thân và có thể làm lây lan dịch bệnh. Việc người dân phải di chuyển bằng xe gắn máy, đi bộ.. trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều ý kiến lên tiếng chỉ trích, đặc biệt nhắm vào các đơn vị vận hành đường sắt.

Đặc biệt là với nơi có số lượng người lao động hồi hương nhiều như: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La.. việc không tổ chức được tàu khách dẫn đến các địa phương có người dân đi qua phải thực hiện đón, dẫn, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, xăng, dầu.. phục vụ người dân. Tình trạng này gây tốn kém về cả tiền bạc và nhân lực, trong khi bản thân các địa phương này cũng đang phải gồng mình phòng, chống dịch Covid-19.

Vi sao tau xuyen Viet chua duoc dua vao phuc vu nguoi dan hoi huong? - Hinh anh 2
 Một người đàn ông trong đoàn di cư nằm ngủ trên mặt đường Quốc lộ 1 sau ngày dài đi xe máy, phía sau là đoàn tàu hàng đang chạy qua.

“Nếu được sự chấp thuận tạo điểm đi, điểm đến của UBND các tỉnh, TP, việc tập trung di chuyển sẽ giúp người dân trở về địa phương được an toàn, bớt vất vả. Hơn nữa đơn giản hóa công tác kiểm soát, thực hiện cách ly với người trở về từ vùng dịch theo các quy định của Bộ Y tế”, Cục trưởng VNRA Vũ Quang Khôi nói.

Phải đảm bảo an toàn

Ngày 7/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Theo đó, đây là nhu cầu chính đáng của người dân tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân phải tự phát về quê thì sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước. Trong những ngày qua, mặc dù các tỉnh, TP đã cố gắng để tổ chức đưa đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch và nhiều người dân trong đó có cả người già, trẻ em đã phải rất vất vả.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, TP có người lao động rời đi cần chủ động lập danh sách, thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi. Tỉnh, TP có người lao động đến, cần thực hiện đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

Vi sao tau xuyen Viet chua duoc dua vao phuc vu nguoi dan hoi huong? - Hinh anh 3
 Người dân về quê phải được đảm bảo an toàn.

Trước đó, ngày 30/9/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Công điện 1625/CĐ-TTg; và Công điện số 122 DK ngày 01/10 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động trong công tác phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch gửi 24 địa phương đầu mối có thể vận chuyển, theo phân cấp các địa phương phải trả lời vấn đề này. Ông Nguyễn Ngọc Đông nhận định, vận tải đường sắt là phương thức giao thông thích hợp nhất tại thời điểm này vì có điểm đến là các nhà ga.

Hiệu quả của việc di chuyển người dân bằng đường sắt đã được chứng minh bằng các chuyến tàu giải cứu trước đó. “Hôm nay, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đề xuất Bộ GTVT tổ chức các chuyến tàu giải cứu khoảng 1000 người dân từ miền Nam ra, việc này không khó”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói. Về vấn đề triển khai hoạt động tạm thời của đường sắt và những khó khăn đối với đặc thù của từng tỉnh, TP, trong chiều 8/10, Bộ GTVT sẽ họp và nghe ý kiến của địa phương.

Tin liên quan